( Thứ 6, ngày 28/10/2016 8:05AM)
Trong khuôn khổ chương trình dự án « Cải thiện nghề câu cá ngừ vây vàng Việt Nam – FIP » được thực hiện bởi WWF Việt Nam và Hiệp hội cá ngừ Việt Nam đồng điều phối thực hiện.
Ngày 24 -25 tháng 10 năm 2016, tại Nha Trang, Khánh Hòa. Hiệp hội cá ngừ Việt Nam tổ chức hội nghị thường niên FIP cá ngừ năm 2016 nhằm đánh giá triển khai, thực hiện và nhiệm vụ tiếp theo của chương trình FIP.
Tại hội nghị, có đại diện là Tổng cục Thủy sản, các Chi cục KTBVNLTS, các Hiệp hội cá ngừ địa phương của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cùng với các Doanh nghiệp Chế biến và XK cá ngừ trong nước cũng như có mặt của các nhà thu mua quốc tế đến tham dự Hội nghị,…

ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam khai mạc Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị tiến trình thực hiện dự án FIP có các bước chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn chậm, trong đó có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Dự kiến khoảng trong năm 2018 -2019, Việt Nam mới đạt được nhãn sinh thái MSC cho cá ngừ vây vàng. (MSC là nhãn sinh thái của Hội đồng quản lý biển dự trên các tiêu chí: Nguồn lợi bền vững; Hệ sinh thái bền vững; Quản lý nghề cá tốt). Trong năm 2016 dự án FIP đã thực hiện được các công việc quan trọng như : tổ chức huấn luyện 11 QSV trên biển đối với tàu câu cá ngừ đại dương, tuyên truyền ngư dân chuyển sang dùng lưỡi câu chữ C để bảo vệ các loại ETPs (Các loài có nguy cơ tuyệt chủng, bị đe dọa và được bảo vệ); Tập huấn ngư dân tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để nâng cao ý thức ngư dân trong việc khai thác để đảm bảo nguồn lợi và hệ sinh thái bền vững. Mặt khác trong năm vừa qua, Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cùng phối hợp với Chuyên gia tư vấn cá ngừ của ICAFIS – VINAFISH thực hiện chương trình thí điểm truy xuất nguồn gốc để phân biệt rõ nguồn nguyên liệu cá ngừ khai thác tại Việt Nam đối với cá ngừ được nhập khẩu từ nước ngoài về. Đến đầu năm 2017 sẽ triển khai thí điểm trong 5 DN Chế biến và XK cá ngừ, từ đó sẽ nhân rộng ra trong toàn quốc.


ông Keith Symington - WWF trình bày tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện chuyên gia WWF đã chỉ ra rõ quyền lợi và nghĩa vụ của DN khi tham gia FIP này. Trong quá trình thực hiện FIP các DN cá ngừ Việt Nam chỉ bán hàng có dãn nhãn Mã code FIP cho 09 nhà nhập khẩu cá ngừ (như Anova Food USA, Norpac Fisheries Export, Culimer BV, Sea Delight LLC,…) vì đã có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho quá trình thực hiện FIP tại Việt Nam và tất nhiên các DN Việt Nam cũng được bán sản phẩm cá ngừ này cho tất cả các thị trường khác nhưng không được dán mã code FIP.

ông Tưởng Phi Lai Tư vấn quốc gia - ICAFIS trình bày tại Hội nghị
Trong khuôn khổ hội nghị lần này, các đại biểu cũng nhất trí cao cần phải sử đổi lại quy chế hoạt động, nhân sự của Hội đồng tư vấn cá ngừ Việt Nam để đáp ứng chức năng, nhiệm vụ là hỗ trợ Hiệp hội cá ngừ Việt Nam trong việc tham mưu, định hướng, kiến nghị liên quan đến ngành hàng cá ngừ.




Rất nhiều Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Kết thúc hội nghị, Lãnh đạo cá ngừ Việt Nam đánh giá cao quá trình đã và đang thực hiện FIP cá ngừ Vây vàng Việt Nam. Tin tưởng rằng với sự hợp tác tích cực và đồng thuận cao của các bộ nghành liên quan, tiến trình đạt nhãn sinh thái MSC đối với cá ngừ vây vàng Việt Nam có thể đạt được vào năm 2018 -2019./.
(VINATUNA)
|