(09am. ngày 14/03/2019) Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày càng sâu rộng của Việt Nam, việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các chuỗi cung ứng ngày càng được quan tâm hơn, đặc biệt là vấn đề lao động và lao động trẻ em. Sáng ngày 13/3/2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Đối thoại chính sách: tiêu chuẩn lao động quốc tế về lao động trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại. Tham gia đối thoại có Lãnh đạo các đơn vị: Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội, Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Trẻ em, Viện Khoa học lao động và xã hội cùng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp trong nước và các hiệp hội ngành nghề trong cả nước, trong đó có sự tham gia của Hiệp hội cá Ngừ Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia nhiều cam kết quốc tế về thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), việc tăng cường và nâng cao nhận thức của các bên trong vấn đề trách nhiệm xã hội là vô cùng cần thiết, có ý nghĩa về kinh tế- xã hội của đất nước nói chung và đối với chính cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Ngoài ra vấn đề lao động trẻ em cũng được vô cùng chú trọng trong nhiều năm nay. Thứ trưởng nhấn mạnh để giải quyết vấn đề lao động, đặc biệt là lao động trẻ em rất cần sự tham gia phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.

Chuyên gia Quốc Tế trình bày về những bài học rút ra từ Thủy sản Thái Lan đối với trách nhiệm xã hội
Phát biểu tại Đối thoại, ông Chang-Hee-Lee, Giám đốc Tổ chức ILO tại Việt Nam cho biết Việt Nam được lựa chọn là một trong những quốc gia tiên phong đi đầu trong liên minh 8.7.
Liên minh 8.7 – Alliance 8.7 (là một đối tác toàn cầu cam kết đẩy nhanh hành động, thúc đẩy sự đổi mới, tạo ra kiến thức và tận dụng các nguồn lực nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm).

Đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, các chuỗi cung ứng sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ phục vụ hàng triệu người mỗi ngày có nguy cơ tồn tại nguy cơ lao động, đặc biệt là lao động trẻ em. Doanh nghiệp cần phải chú ý để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không có vấn đề gì về việc cưỡng ép lao động, đặc biệt là sử dụng lao động trẻ em, nếu không sẽ bị mất uy tín và ảnh hưởng xấu đến công việc kinh doanh. Tuy nhiên, thực trạng hiện tại vẫn còn nhiều chủ doanh nghiệp chưa có nhận thức đúng về tính trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp. Điều này cần phải được cải thiện và có nhiều phương pháp để tuyên truyền vận động, tập huấn cho doanh nghiệp trong vấn đề trách nhiệm xã hội.

Đại diện Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam phát biểu đóng góp ý kiến về trách nhiệm xã hội (CSR)
Tại buổi tọa đàm, đại diện Hiệp hội cá Ngừ Việt Nam nêu các quan điểm từ góc nhìn phía Hiệp hội và đóng góp ý kiến đến các cơ quan ban ngành quản lý nhà nước về vấn đề trách nhiệm xã hội lao động cho các hoạt động trong thời gian sắp tới. Đại diện Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam nhấn mạnh về những bất lợi, rủi ro và các vấn đề gặp phải từ phía cộng đồng ngư dân, nhân tố quan trọng nhất trong chuỗi thủy sản. Thêm vào đó, cũng đề cập đến các vấn đề về thiếu nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc phân tích, đánh giá khía cạnh trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng các mặt hàng thủy sản nói chung, mặt hàng cá ngừ nói riêng, Nhằm đưa ra giải pháp giảm thiểu các vấn đề về lao động trong nghề cá. Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam thể hiện rõ sự quan tâm đến việc nâng cao tính trách nhiệm xã hội, sẵn sàng là cầu nối và hỗ trợ nhà nước thực hiện các chương trình nâng cao trách nhiệm xã hội trong ngành hàng cá Ngừ.
VINATUNA |