Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh hóa, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản của 28 tỉnh/thành phố ven biển, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viên Nghiên cứu Hải sản, một số doanh nghiệp và người dân cùng với các phóng viên báo đài đến đưa tin về Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Lê Đức Giang đã chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, tính từ đầu 2022 đến nay, tổng sản lượng hải sản khai thác đạt 566,7 ngàn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khai thác biển đạt 539,4 nghìn tấn, tăng 0,2%, khai thác nội địa 27,3 nghìn tấn giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,508 tỷ USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, xuất khẩu hải sản đạt 573 triệu USD chiếm tỷ trọng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản. Các loài hải sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh: Cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ.
Trong hai tháng đầu năm 2022 thời tiết trên biển tương đối thuận lợi cùng với đó nguồn lợi thủy sản dồi dào, theo ghi nhận tại các địa phương tàu cá khai thác đánh bắt trên biển sản lượng đạt khá. Giá cả các mặt hàng hải sản trong những tháng đầu năm đều tăng cao, nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Đặc biệt là giá cá ngư đại dương tăng cao nhất trong vào 10 năm trở lại đây, khiến người dân rất phấn khởi.
Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác thủy sản từ đầu năm đến nay cũng gặp không ít những khó khăn thách thức như: Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị gẫy khúc, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu; Giá bán sản phẩm khai thác chất lượng cao phục vụ nhà hàng giảm sâu; Cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu chưa được tháo dỡ tiếp tục tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu thủy sản.
Đặc biệt, là chiến sự tại Ucraina đã đẩy giá dầu thế giới tăng cao trong 2 tháng đầu năm 2022, đồng thời các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Nga bị hủy bỏ do không có kênh vận chuyển và thanh toán cúng đã tác động đến hoạt động sản xuất trên biển của ngư dân.
Tình trạng thiếu lao động khai thác thủy sản cả về số lượng và chất lượng, nhất là các lao động lành nghề, những lao động đã qua đào tạo tiếp tục là thách thức lớn đối với ngành khai thác. Nhiều tàu cá phải nằm bờ do không đủ lao động để đi biển.
Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản nhất là ứng dụng vào công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Liên quan đến cảnh báo “Thẻ vàng”, Ông Trung cho biết, phía EC khẳng định hai vấn đề lớn nếu Việt Nam chậm khắc phục sẽ không gỡ được cảnh báo “Thẻ vàng” đó là: Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; việc kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu nước ngoài và triển khai Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng chưa có tiến bộ do chưa được đầu tư dẫn đến còn nhiều sai sót, mới chỉ tập trung làm tốt công tác kiểm dịch, việc thanh kiểm tra theo quy định của Hiệp định để đảm bảo việc kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam là sản phẩm hợp pháp chưa đáp ứng yêu cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, hiện nay các sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam được xuất khẩu sang 115 thị trường trên thế giới, năm 2021 đạt kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác đạt 3,4 tỷ USD tăng 6,7% so với năm 2020. Trong đó, đứng đầu là thị trường Hoa Kỳ đạt 791 triệu USD. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản đạt 512 triệu USD, tiếp đến là thị trường thị trường EU đạt 416 triệu USD, thị trường Trung Quốc đạt 382 triệu USD. Liên quan đến thị trường xuất khẩu trong thời gian tới Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, tình hình chiến sự tại Ucraina trong ngắn hạn sẽ tiếp tục tác động đến giá cả xăng dầu kéo theo đó là các biện pháp áp đặt cấm vận sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Đức Cường – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2021 tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt xấp xỉ 202 nghìn tấn, tăng 5% cùng kỳ năm 2020; trong đó: Sản lượng nuôi trồng 66 nghìn tấn, tăng 5% cùng kỳ; sản lượng khai thác đạt gần 136 nghìn tấn, tăng 4,5% cùng kỳ. Sản lượng khai thác thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 là 21.428 tấn. Tính đến ngày 15/3/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có là 6.694 tàu cá. Trong đó, đã có 1.128/1.135 tàu cá đã được kích hoạt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,4%.
 |
Trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân về các quy định pháp luật liên quan trong lĩnh vực khai thác cũng như các biện pháp chống khai thác IUU, các lực lượng chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển về chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, nhất là là quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên 15m. Đồng thời, kiên quyết không cho các tàu cá hoạt động trên biển khi không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục giấy tờ theo quy định.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng hiện nay, hạ tầng phục vụ cho lĩnh vực khai thác thủy sản đã xuống cấp, tình trạng các cảng cá bến cá quá tải, hệ thống luồng lạch thường xuyên bị bồi lắng, hậu cần phục vụ cho nghề cá chưa đảm bảo, điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh tại các cảng cá chưa đáp ứng. Trong khi đó nguồn lực phục vụ đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cảng cá còn rất thiếu. Việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm khai thác vẫn còn hạn chế dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao, chưa nâng cao được giá trị gia tăng trong các sản phẩm. Mặt khác, tình trạng liên kết chuỗi sản xuất biển còn thiếu tính bền vững cùng với đó là thiếu hụt lao động đã và đang gây khó khăn cho lĩnh vực khai thác hiện nay.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cảnh báo, nếu Việt Nam không gỡ được thẻ vàng, ngoài ảnh hưởng trên 500 triệu USD xuất khẩu thủy sản đi châu Âu còn ảnh hưởng vị thế chính trị Việt Nam trên trường quốc tế. Chính vì vậy mục tiêu tháo gỡ cảnh báo Thẻ vàng” phải đặt quyết tâm chính trị hàng đầu trong năm nay.
Do đó, để đạt được mục tiêu trước mắt và lâu dài cho ngành thủy sản, Tổng cục Thủy sản cần khẩn trương cơ cấu lại đội tàu, cơ cấu nghề, quản lý đội tàu gắn với truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình, hàng tháng gửi ban chỉ đạo các tỉnh và triển khai quy hoạch bảo tồn khai thác. Các địa phương phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác IUU.
Hiện nay, hạ tầng phục vụ phát triển nghề cá chưa đáp ứng, xuống cấp. Chính vì vậy, giai đoạn phát triển mới để đưa nghề cá phát triển hiện đại, bền vững thì phát triển hạ tầng cảng cá là nhiệm vụ cốt lõi. Tuy nhiên, cảng cá cấp 2, 3, các tỉnh phải bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp. Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân phải triển khai gấp rút. Để giảm số lượng tàu, giảm sản lượng khai thác thì các tỉnh phải hỗ trợ làm bệ đỡ cho ngư dân chuyển đổi nghề. Cần tập trung vào giá trị gia tăng, hiệu quả chế biến, tránh thất thoát hải sản sau thu hoạch.
Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản cần kịp thời theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả.
Tham mưu quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác và đẩy mạnh công tác chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề khác cho ngư dân.
Tiếp tục tham mưu chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác.
Triển khai Đề án phát triển khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở một số nước đã ký kết. Phối hợp với Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – Châu Phi (VAECA) tìm hiểu nhu cầu, khả năng, điều kiện họp tác khai thác với các nước vùng Tây Phi.
Thứ trưởng cũng đề nghị Viện Nghiên cứu Hải sản tập trung nguồn lực cho nghiên cứu đánh giá trữ lượng nguồn lợi hải sản trên vùng biển Việt Nam để từ đó làm căn cứ đưa ra các định hướng, chính sách phát triển cơ cấu đội tàu một cách bền vững nghề cá phù hợp với trữ lượng hiện có và phù hợp với yêu cầu của quốc tế.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng dự báo, hàng năm cần phải đánh giá việc sử dụng các bản tin dự báo ngư trường để có căn cứ nghiên cứu một cách chính xác nhất, phục vụ cho ngư dân khai thác có hiệu quả..
Song song với đó, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới vào các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất. Đặc biệt là khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Đối với công tác khuyến nông, Thứ trưởng yêu cầu đẩy mạnh nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất chuỗi, các tổ đội sản xuất trên biển có hiệu quả. Tập trung tuyên truyền đúng đối tượng, các mô hình sản xuất gắn với bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản...
Đối với Cục Thú Y, đề nghị tập trung kiểm soát đầy đủ chất lượng các sản phẩm. Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng phổ biến các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm của các thị trường, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm.
Đối với các địa phương, Thứ trưởng yêu cầu 4 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang khẩn trương hoàn thành việc quản lý và cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng bờ.
Tăng cường công tác quản lý tàu cá, quản lý ngư trường nguồn lợi trên địa bàn, rà soát xóa đăng ký đối với tàu đã bị mất tích, chìm, mục nát không còn khả năng khắc phục; Công khai hạn ngạch giấy phép khai thác tại địa phương;
Chủ động tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch triển khai và các cơ chế chính sách trong việc triển khai các quy hoạch, chương trình, đề án khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành. Đảm bảo bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương; thông tin, truyền thông, tuyên truyền, tập huấn các quy định về phòng, chống khai thác IUU, các quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng.
(Nguồn: Tổng cục Thủy sản)