(Thứ 3 ngày 26/07/2016 9:40AM) Ngày 22/7/2016, tại thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị sơ kết Ban chỉ đạo Đề án “ Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Phú Yên, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngư dân và các phóng viên báo, đài. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong Quý I năm 2016, các tàu khai thác cá ngừ của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khai thác có hiệu quả, đa số hoạt động đều có lãi nhờ đạt sản lượng cao, từ 1,5 – 2 tấn/tàu và chi phí giảm do giá nhiên liệu thấp. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, ngư dân khai thác cá ngừ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng El nino hoạt động cuối chu trình trong khu vực biển Đông dẫn đến sản lượng giảm, bên cạnh đó giá cá cũng giảm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sản xuất. Hiện nay có 2.542 tàu tham gia khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, trong đó có 1.672 tàu câu, 615 tàu vây và 255 nghề lưới rê. Sản lượng cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to trong 6 tháng đầu năm của 3 tỉnh đạt 10.600 tấn, trong đó, Bình định 4.720 tấn, tăng 12,5% so cùng kỳ; Phú Yên đạt 3.500 tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ; Khánh Hòa đạt 2.380 tấn, giảm khoảng 10,2%. Sản lượng khai thác cá ngừ vằn trong 6 tháng đầu năm của 3 tỉnh đạt khoảng 31.864 tấn. Giá cá từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm nhẹ, chất lượng cá vẫn chưa được cải thiện.
Hình ảnh tại Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của chính quyền cũng như người dân trong thực hiện liên kết chuỗi nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của nghề khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Song, bên cạnh đó việc thực hiện các mô hình còn gặp nhiều khó khăn do ngư dân chưa quen với công nghệ mới, hiện đại nên chưa có sự thay đổi lớn về chất lượng cá. Thời gian chuyến biển dài, gây ảnh hưởng đến chất lượng cá cũng như bị động trong xuất khẩu. Cơ chế và phương thức thu mua cá ngừ chưa theo đúng chất lượng thực tế, còn hiện tượng “mua xô” nên chưa khuyến khích được ngư dân cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng. Chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần để rút ngắn thời gian bảo quản cá từ khi khai thác đến thị trường xuất khẩu; Chi phí vận chuyển trong khâu xuất khẩu còn khá cao. Trang thiết bị từ khâu khai thác đến bảo quản còn chưa đồng bộ. Cơ sở hạ tầng cảng chuyên dụng và chợ đấu giá cá ngừ chưa hình thành một cách đồng bộ. Chính sách cho việc thúc đẩy phát triển chuỗi còn chưa đồng bộ, chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Nhiều doanh nghiệp tâm huyết tham gia mô hình nhưng thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Một số ngư dân còn trông chờ và sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo các đại biểu, trong thời gian tới, cần có mô hình tổ chức tàu vận chuyển cá vào bờ trên cơ sở đội tàu mô hình để giảm thời gian bảo quản cá trên biển, nâng cao chất lượng; Nghiên cứu xây dựng mô hình hầm bảo quản sản phẩm; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào cảng cá ngừ chuyên dụng và chợ đấu giá cá ngừ. Xây dựng chính sách riêng cho nghề khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương của 3 tỉnh Miền Trung. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ để có giải pháp phù hợp. Phải xác định hướng chuyển giao công nghệ phù hợp với điều kiện của ngư dân. Quảng bá sản phẩm cá ngừ Việt Nam thông qua chợ đấu giá trên thị trường quốc tế
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa trong thời gian qua. Tại các tỉnh đã có các chính sách song song với các chính sách chung của ngành. Một số mô hình liên kết chuỗi đã hình thành và hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, cần quyết tâm thực hiện mới thành công. Thứ trưởng chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm 2016, BCĐ Trung ương và các Địa phương rà soát kế hoạch để hoàn thành các nội dung trong kế hoạch 2016. Các địa phương cần kiên trì trong việc xây dựng các mô hình. Trong thời gian sớm nhất, Tổng cục Thủy sản cùng các địa phương hoàn thiện tiêu chí đánh giá chất lượng cá ngừ, hoàn thiện công nghệ, kỹ thuật khai thác, công nghệ mới để ứng dụng vào toàn chuỗi, tập trung đào tạo tập huấn, đặc biệt có sự chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các khâu trong chuỗi để đảm bảo sự bền vững của chuỗi./.
(VINATUNA)