Trong khuôn khổ dự án Cải thiện nghề Khai thác ngừ vây vàng tại Việt Nam (Vietnam Yellowfin tuna improvement project), ngày 20 tháng 3, tại Nha Trang, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam tổ chức Hội thảo – tập huấn “Thúc đẩy Thực hành tốt Trách nhiệm xã hội trong nghề cá” do Tổ chức Resources Legacy Fund hỗ trợ. Hội thảo có hơn 40 đại biểu tham dự, trong đó bao gồm ngư dân, chủ tàu, nậu vựa, một số chuyên gia trong lĩnh vực thuỷ sản.
Hội thảo mang đến cho ngư dân thông tin và các phương pháp thực hành tốt trách nhiệm xã hội, xây dựng môi trường làm việc an toàn và hiệu quả cho nghề cá. Các bài giảng của đội ngũ cán bộ VINATUNA mang đến buổi tập huấn với mục tiêu nâng cao nhận thức cho đội ngũ chủ tàu, thuyền trưởng, nậu vựa trong việc nâng cao trách nhiệm xã hội trong nghề cá, tập trung vào nội dung nâng cao quyền lợi của người lao động như đảm bảo độ tuổi lao động, chế độ chi trả lương & thưởng, đảm bảo thời giờ làm việc & nghỉ ngơi, ngăn chặn các hình thức lao động cưỡng bức,… Cũng tại buổi tập huấn, VINATUNA đã giới thiệu “Cơ chế phản hồi”, hướng dẫn ngư dân phản hồi thông tin khi cần. Theo đó, cơ chế phản hồi bao gồm các kênh thông tin liên lạc với các trạm bờ, các cơ quan quản lý khi ngư dân cần trợ giúp các vấn đề trên biển như Tìm kiếm cứu nạn; Hỗ trợ y tế; Vận hành tàu thuyền,…. Cơ chế phản hồi còn hỗ trợ ngư dân trong việc trao đổi, trợ giúp các vấn đề thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp như: Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam,… Nhờ đó, người lao động trong ngành thuỷ sản có thêm kênh thông tin và nhận sự hỗ trợ trong quá trình làm việc, góp phần đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên. Từ những nội dung nêu trên, hội thảo – tập huấn đã xây dựng các khuyến nghị thiết thực, hướng đến mục tiêu xây dựng cộng đồng nghề cá bền vững và công bằng, thúc đẩu cơ hội làm việc và phát triển bình đẳng cho người lao động.
Ông Đỗ Văn Thái, thuyền trưởng tàu cá cho biết:”Dù rằng làm việc trên biển, nhưng tàu của tôi luôn luôn đảm bảo thuyền viên làm việc trên tàu có thời gian nghỉ tay phù hợp trong giờ làm và ngủ đủ giấc sau giờ làm. Sau mỗi chuyến biển, dù lỗ hay lãi, tôi đều chi trả lương cho thuyền viên chậm nhất trong vòng 2 ngày sau khi tàu về bến. Thông qua hội thảo mà tôi biết được thêm nhiều kiến thức bổ ích, từ đó tôi sẽ áp dụng vào thực tế, nhằm đảm bảo mọi điều kiện làm việc tốt nhất cho anh em trên tàu để nâng cao hiệu quả khai thác của tàu cá”.
Các hoạt động nâng cao trách nhiệm xã hội còn góp phần thúc đẩy nghề câu cá ngừ đáp ứng các tiêu chí xã hội (HRSRP) của dự án FIP, hướng đến việc đạt nhãn sinh thái MSC cho cá ngừ Việt Nam. Thông qua hoạt động tập huấn, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam mong muốn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng ngư dân và các bên liên quan trong việc nâng cao trách nhiệm xã hội, nâng cao quyền lợi lao động trong chuỗi cung ứng cá ngừ, đảm bảo phát triển bền vững nghề cá.