Quy định của EU về việc quản lý và phân bổ hạn ngạch thuế quan (HNTQ) đối với các mặt hàng cá ngừ đóng hộp trong Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực vào ngày 01 tháng 8 năm 2020.
Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho Việt Nam đối với 14 mặt hàng trong đó có cá ngừ đóng hộp với thông tin chi tiết như sau:
1. Cơ quan đầu mối thực thi của EU
Cơ quan đầu mối của EU phụ trách phân bổ và quản lý TRQ đối với các mặt hàng thuộc diện cam kết trong Hiệp định EVFTA là Tổng cục Thuế và Hải quan (Directorate General Taxation and Customs Union - DG TAXUD).
2. Cơ chế quản lý TRQ của EU
TRQ sẽ được phân bổ và quản lý theo quy định tại Điều 49 đến 54 của Quy định thực thi (EU) 2015/2447. Cụ thể:
Quy định chung
- Hàng hóa nhập khẩu vào EU theo cơ chế TRQ sẽ được phân bổ theo cơ chế “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước” (first-come, first-serve), dựa vào ngày mà đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan của EU chấp thuận.
Ví dụ, tất cả các đơn xin cấp phép nhập khẩu được chấp thuận vào ngày 01 tháng 8 năm 2020 (dự kiến là ngày Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực) sẽ được phân bổ TRQ trước, và lượng hạn ngạch còn lại sẽ được phân bổ cho các đơn xin cấp phép nhập khẩu được chấp thuận vào ngày 02 tháng 8 năm 2020 và các ngày sau đó.
- Đơn xin cấp phép nhập khẩu được cơ quan hải quan EU chấp thuận vào ngày 01, 02 hoặc 03 tháng 01 sẽ được tính là được chấp thuận vào ngày 03 tháng 01 của năm đó. Tuy nhiên, trong trường hợp một trong ba ngày trên rơi vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật, ngày được chấp thuận sẽ là ngày 04 tháng 01 của năm đó.
Vai trò của cơ quan hải quan của EU
Cơ quan hải quan của EU sẽ có trách nhiệm xác định tính hợp lệ của hồ sơ nhập khẩu theo cơ chế TRQ và sẽ chuyển thông tin ngay sau khi chấp nhận hồ sơ tới Ủy ban để phân bổ TRQ.
Việc phân bổ TRQ
- Việc phân bổ TRQ sẽ được thực hiện trong ngày làm việc và sẽ bao gồm tất cả các hồ sơ đề nghị cấp TRQ chưa được phân bổ tính từ ngày làm việc thứ hai trước ngày phân bổ TRQ trở lại. TRQ sẽ không được phân bổ sớm hơn ngày làm việc thứ hai sau ngày chấp nhận đơn xin cấp phép nhập khẩu.
- Vào ngày phân bổ, trong trường hợp lượng TRQ xin cấp cao hơn lượng TRQ còn lại, Ủy ban sẽ phân bổ lượng TRQ còn lại theo tỷ lệ cho các bên nộp hồ sơ.
Quy định khác
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng để được hưởng ưu đãi trong TRQ, hàng hóa nhập khẩu theo cơ chế này cần đáp ứng quy tắc xuất xứ quy định tại Hiệp định EVFTA. Cụ thể, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam khi nhập khẩu vào EU cần nộp giấy chứng nhận xuất xứ, tờ khai tự chứng nhận xuất xứ hoặc khai báo xuất xứ theo quy định tại Điều 15 (2), Nghị định thư 1 về Quy định hàng hóa có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính của Hiệp định EVFTA
3. Lượng TRQ EU dành cho cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA
Nhóm Sản phẩm: HS1604 14 21; HS1604 14 31; HS1604 14 41; HS1604 14 28 ; HS1604 14 38 ; HS1604 14 48 ; HS1604 14 90 ; HS1604 19 39 ; HS1604 20 70
Khối lượng Hạn ngạch:
- Từ 1/8 đến 31/12/2020 là 4.791,668 tấn
- Từ 1/1 đến 31/12 hàng năm sau: 11.500 tấn
Quý Doanh nghiệp nên tham khảo thêm Quy định của EU chi tiết Tại đây.